Ủy ban Thường vụ Quốc Hội cho ý kiến về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng
A+ | A | A-
Ngày đăng: 27/05/2020

          Thực hiện Chương trình làm việc Phiên họp thứ 45, sáng 16-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng dưới sự điều hành Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Đa số thành viên UBPL đồng ý thí điểm một cấp chính quyền ở đô thị và 03 cấp chính quyền ở nông thôn tại Đà Nẵng

Trong Báo cáo Thẩm tra Dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị và 03 cấp chính quyền ở nông thôn tại thành phố Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ. Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng đưa ra 4 lý do cho quan điểm trên. Cụ thể:

Thứ nhất, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương có diện tích không lớn (1.285,4 km²), có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao, số lượng đơn vị hành chính trực thuộc không nhiều, nên việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị nhìn chung là thuận lợi, dễ triển khai.

Thứ hai, thành phố Đà Nẵng là một trong 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường từ năm 2009 đến 2016 đạt kết quả tốt, có sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân.

Thứ ba, việc thử nghiệm các mô hình chính quyền đô thị khác nhau giữa các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa - lịch sử, đặc điểm địa lý tự nhiên khác nhau, mang lại nhiều giá trị thực tiễn, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, xây dựng mô hình chính quyền ở đô thị trên phạm vi cả nước sau này.

Cuối cùng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã cho phép Quốc hội quyết định ở các đơn vị hành chính là quận và phường có thể tổ chức mô hình chính quyền đô thị không phải là cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND).

Phân cấp, phân quyền phải kèm theo cải cách về thủ tục hành chính và cơ chế kiểm tra, giám sát

 

Hình 1: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, việc phân cấp, phân quyền phải kèm theo việc cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính và kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát

Tại buổi làm việc, cũng có ý kiến cho rằng, việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân và hoạt động giám sát của HĐND đối với UBND quận, phường và các cơ quan tư pháp quận.

Về điều chỉnh quy hoạch (Điều 11), trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban Kinh tế và Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, các luật về quy hoạch hiện hành quy định rất chặt chẽ thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác lập, quản lý, điều chỉnh quy hoạch thời gian qua.

Việc dự thảo Nghị quyết giao thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cho chính quyền thành phố mà không kèm theo cơ chế kiểm soát có hiệu quả có thể dẫn đến không đạt được các yêu cầu, mục tiêu mà Luật Quy hoạch đã đề ra.

Để cụ thể hóa chủ trương thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của địa phương và người đứng đầu về vấn đề quản lý quy hoạch theo Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị, đa số ý kiến trong UBPL đề nghị chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng giao Thủ tướng Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện phân cấp cho chính quyền địa phương thành phố Đà Nẵng trong việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố và điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị gắn với những điều kiện nhất định quy định ngay trong Nghị quyết này.

Quy định như vậy vừa đề cao được vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của địa phương mà vẫn gắn với thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra, theo dõi, kiểm soát của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là chủ thể phân cấp. Tránh dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, không bảo đảm nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch. Điều này cũng phù hợp với tinh thần đẩy mạnh phân cấp được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương vừa được Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều tại kỳ họp thứ 8.

Góp ý vào việc phân quyền quy hoạch, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, việc phân cấp quyết định, quản lý quy hoạch thành phố Đà Nẵng theo hướng giao Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện phân cấp cho chính quyền địa phương thành phố Đà Nẵng khác với để cho chính quyền thành phố quyết định là khác nhau.

Tuy nhiên, để thực hiện điều thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị nhanh thì thành phố Đà Nẵng cần phải lãm rõ hơn trách nhiệm phân cấp, phân quyền. Trình tự, thủ tục quy hoạch thành phố vẫn phải thực hiện theo Luật Quy hoạch.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, việc phân cấp, phân quyền phải kèm theo việc cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính và kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát. Theo Chủ tịch Quốc hội, nên giao thí điểm điều chỉnh quy hoạch cục bộ đô thị cho Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ rõ ràng để có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề nghị: việc phân cấp, phân quyền thực hiện thí điểm quy hoạch cho thành phố Đà Nẵng cần nghiên cứu và điều chỉnh sửa đổi trong các Luật có liên quan để tránh chồng chéo nội dung cũng như Nghị quyết thí điểm lại ở trên luật.

Đồng thuận với ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm, việc phân cấp, phân quyền khi thực hiện thí điểm mô hình đô thị ở thành phố Đà Nẵng phải theo Luật Quy hoạch, tránh sự mâu thuẫn chồng chéo, cần có sự phân chia chức năng phân cấp chặt chẽ hơn.

Nếu để Chủ tịch thành phố Đà Nẵng xin ý kiến của các Bộ ngành trong quy hoạch thì phức tạp hơn nhiều khi điều chỉnh vì vướng các thủ tục hành chính. Vì vậy, theo ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Thủ tướng Chính phủ nên có chỉ đạo rõ hơn về vấn đề này.

Cần rà soát kỹ lưỡng những loại phí, lệ phí nào có thể cho phép HĐND thành phố Đà Nẵng được quyết định

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc giao HĐND thành phố quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức phí, lệ phí (khoản 3 Điều 12).

Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng cho rằng, thẩm quyền bổ sung các khoản phí, lệ phí chưa có trong danh mục ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí đã được giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định (Điều 17 của Luật Phí và lệ phí).

 

Hình 2: Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng

Quy định như dự thảo Nghị quyết đồng nghĩa với việc phân cấp cho HĐND thành phố quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí chưa có trong Danh mục, quyết định mức thu hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đối với những khoản phí, lệ phí đã có trong Danh mục thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính.

Do đây là cơ chế thí điểm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nên để bảo đảm tính linh hoạt, giúp cho HĐND thành phố chủ động trong việc điều chỉnh chính sách về phí, lệ phí, bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc giao HĐND thành phố Đà Nẵng quyết định bổ sung, tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố tương tự như quy định trong Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Theo Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng, cần có sự rà soát để quy định cụ thể hơn trong dự thảo Nghị quyết nhóm những loại phí, lệ phí nào có thể cho phép HĐND thành phố Đà Nẵng quyết định mức thu hoặc tỷ lệ thu, ví dụ đối với lệ phí, án phí Tòa án thì không nên giao cho địa phương tự điều chỉnh.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực Tòng Thị Phóng cho rằng, thực tế ngoài các khoản phải chi phí nhất định thì thành phố Đà Nẵng còn nhiều lĩnh vực, hoạt động phải trang trải nên cần phải tăng thêm khoản thu. Tuy nhiên, việc giao HĐND thành phố quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức phí, lệ phí cần có sự rà soát kỹ lưỡng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, ở nhiều nước trên thế giới đã giao cho Hội đồng Nhân dân thành phố được phép quyết định phí và lệ phí thu. Còn đối với nếu thí điểm mô hình đô thị ở Đà Nẵng thì trong Dự thảo Nghị quyết cần đề cập rõ khi nào HĐND thành phố Đà Nẵng được quy định và quyết định các phí và lệ phí.

Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận các ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Pháp luật cho dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với Dự thảo Nghị quyết.

Về việc phân cấp, phân quyền điều chỉnh quy hoạch thành phố còn liên quan đến trình tự, thủ tục cần được nghiên cứu kỹ hơn và phải giao cho Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện phân cấp cho chính quyền địa phương thành phố Đà Nẵng.

Về phí và lệ phí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, cần có rà soát để quy định cụ thể hơn trong dự thảo Nghị quyết đối với nhóm những loại phí, lệ phí nào có thể cho phép HĐND thành phố Đà Nẵng quyết định mức thu hoặc tỷ lệ thu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra rà soát kỹ lại các ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này đối với Dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

 

Nguồn: CỔNG TTĐT THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Tin cùng chuyên mục

 
 
 
 
Lượt truy cập: 249,607 Hôm qua: 120 - Hôm nay: 71 Tuần này: 1,028 - Tuần trước: 371 Tháng này: 37,311 - Tháng trước: 19,646 Online: 11

Chùm ảnh sự kiện