Từ khi bắt đầu triển khai xét công nhận sáng kiến từ năm 2020 đến nay, đội ngũ viên chức và người lao động Viện đã đề xuất nhiều giải pháp góp phần quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ của cơ quan; trong đó, nhiều giải pháp đáp ứng các điều kiện để được công nhận là sáng kiến theo quy định. Năm 2022, Hội đồng sáng kiến Viện đã họp và thống nhất đề nghị Viện trưởng công nhận sáng kiến cấp cơ sở đối với 04 sáng kiến. Cụ thể:
- Xây dựng quỹ bài dự phòng để rút ngắn thời gian xuất bản Tạp chí Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng;
- Đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết ĐH Đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII;
- Phối hợp tiếp nhận ý tưởng, sản phẩm tài trợ đề xuất ứng dụng cho thành phố Đà Nẵng, cụ thể cho đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực;
- Sử dụng các chỉ tiêu liên quan đến năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế thành phố Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, Viện đã thực hiện các thủ tục chấp nhận việc công nhận sáng kiến của tác giả là người đứng đầu cơ sở và thủ tục công nhận sáng kiến có tác dụng, ảnh hưởng đối với thành phố. Tuy nhiên sáng kiến “Sử dụng các chỉ tiêu liên quan đến năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế thành phố Đà Nẵng” đã được bảo lưu, xem xét đánh giá lại vào cuối năm 2023 sau khi đánh giá được hiệu quả thực tế để được công nhận là sáng kiến có ảnh hưởng đối với thành phố.
Đến nay, hoạt động sáng kiến tại Viện đã được tổ chức thực hiện đảm bảo theo đúng quy định; thực hiện báo cáo kết quả hoạt động sáng kiến đảm bảo đúng thời hạn và nội dung theo yêu cầu. Bên cạnh đó, Viện cũng đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền các quy định liên quan đến hoạt động sáng kiến đến các phòng chuyên môn và viên chức, người lao động Viện để phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động, mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan nói riêng và cho thành phố Đà Nẵng nói chung./.
Phòng QLKHHT